Tin tức khác Tin tức khác

Thông tin y tế trên các báo ngày 02/3/2021
Ngày đăng 03/03/2021 | 11:24  | Lượt xem: 141

Thủ tướng: 'Phải tiêm vaccine ngay tuần này'

Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế triển khai tiêm vaccine trong tuần này; tiếp tục khoanh vùng ổ dịch Kim Thành, Hải Dương, để cả nước không còn vùng lây nhiễm.

Yêu cầu này được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói tại phiên họp trực tuyến thường kỳ tháng 2 của Chính phủ với các tỉnh, thành sáng 2/3. Người nghèo, gia đình chính sách và 8 nhóm đối tượng được Chính phủ phê duyệt cần nhanh chóng được tiêm vaccine.

Thủ tướng cho hay đợt bùng phát dịch vừa qua đã ảnh hưởng nhiều đến các vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc như Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh và Hà Nội. Tuy nhiên với nhiều biện pháp quyết liệt, đến nay tình hình dịch đã được kiểm soát. Việt Nam được thế giới đánh giá thành công trong việc ngăn chặn dịch.

Để tiếp tục phòng chống dịch hiệu quả, Thủ tướng yêu cầu thực hiện theo tinh thần vaccine kết hợp quy tắc 5K; ngành y tế không được chủ quan. Nếu có hiện tượng của dịch phải truy vết, khoanh vùng thần tốc hơn nữa.

Thủ tướng nói theo Nghị quyết của Bộ Chính trị sắp tới Chính phủ sẽ giới thiệu Chính phủ mới. Do đó có thể đây là phiên họp cuối cùng của Chính phủ khóa XIV và mang ý nghĩa rất quan trọng.

Vì vậy người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các bộ ngành, địa phương tập trung vào công việc cấp bách, cần thực hiện ngay với tinh thần "tồn tại việc gì phải giải quyết ngay trong phạm vi trách nhiệm của mình". Tinh thần là bảo đảm việc chuyển giao sang Chính phủ khóa mới tốt nhất, liên tục nhất, không để các tồn đọng kéo dài.

"Lãnh đạo Chính phủ sẵn sàng họp trực tiếp với các bộ, ngành trong đêm để giải quyết công việc tốt nhất", Thủ tướng nói.

Về tình hình kinh tế - xã hội trong tháng 2, Thủ tướng cho biết Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã họp đánh giá Chính phủ có tinh thần trách nhiệm cao, đảm bảo mọi nhà, mọi người đều có Tết. Hàng hóa được cung cấp đầy đủ, giá cả ổn định, không để người dân khó khăn. Tình trạng đốt pháo và các mặt khác nhìn chung giảm hẳn, không để xảy ra những vụ việc nghiêm trọng.

Trước đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 2 tháng đầu năm nay giảm 0,15% so với cùng kỳ; lạm phát cơ bản tăng 0,64%. Tuy nhiên, CPI tháng 2/2021 tăng 1,5% so với tháng trước, là mức cao nhất của chỉ số giá tháng 2 trong 8 năm gần đây và tăng 1,56% so với tháng 12/2020.

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 2 tháng đầu năm nay ước tính đạt 95,8 tỷ USD, tăng 24,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu đạt 48,6 tỷ USD, tăng 23,2%; nhập khẩu đạt 47,3 tỷ USD, tăng 25,9%. Cán cân thương mại hàng hóa 2 tháng đầu năm ước tính xuất siêu 1,3 tỷ USD.

Sản xuất công nghiệp tiếp tục chuyển biến tích cực, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước; ngành chế biến, chế tạo tăng 10,4% (cùng kỳ tăng 7,1%). Nhiều sản phẩm tăng mạnh như tivi các loại tăng 61,5%; linh kiện điện thoại tăng 55,7%; thép cán tăng 47,3%...

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 5,49% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,52% (cùng kỳ năm 2020 tăng 5,4%).

Cả nước có 18.100 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với vốn đăng ký hơn 334 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký gần 173 nghìn người, tăng 4% về số doanh nghiệp, tăng 52,2% vốn đăng ký.

(vnexpress.net)

Học sinh Hà Nội trở lại trường, thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch

Hôm nay 2-3, trẻ mầm non, học sinh các bậc học trên địa bàn TP Hà Nội quay lại trường sau thời gian tạm dừng đến trường để phòng, chống dịch Covid-19. Công tác bảo đảm phòng chống dịch được thực hiện triệt để tại các nhà trường.

Sáng 2-3, tại Trường THPT Nguyễn Gia Thiều, tất cả các học sinh khi tới trường đều thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng chống dịch như: đeo khẩu trang, kiểm tra thân nhiệt, sát khuẩn tay trước khi vào trường…

Từ những ngày trước đó, Ban Giám hiệu nhà trường đã phối hợp cùng phụ huynh học sinh bổ sung thiết bị, vật tư y tế để bảo đảm an toàn trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại trường như hệ thống cấp nước sạch, xà phòng, dung dịch sát khuẩn tay, khẩu trang, dụng cụ đo thân nhiệt...

Ông Lê Trung Kiên, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Gia Thiều (quận Long Biên) cho biết, với sự hỗ trợ tích cực của phụ huynh học sinh, 100% các phòng học của trường đã được làm vệ sinh và lau dung dịch sát khuẩn, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch. Hệ thống điện chiếu sáng, quạt, cấp thoát nước, nhà vệ sinh..., cũng được kiểm tra, rà soát bảo đảm điều kiện an toàn và trong tình trạng tốt nhất để sẵn sàng đón học sinh trở lại trường học tập.

Hiệu trưởng Lê Trung Kiên cũng cho biết thêm, song song với công tác phòng chống dịch bệnh, để giúp học sinh trở lại với nhịp độ học tập trên lớp sau thời gian học trực tuyến, các thầy cô sẽ dành thời gian hướng dẫn các em ôn tập, củng cố lại kiến thức. "Nhà trường yêu cầu các giáo viên thực hiện nghiêm túc các nội dung học tập đối với học sinh, tuyệt đối không được cắt xén chương trình" - ông khẳng định. Đối với những học sinh lớp 12, sẽ tập trung hướng dẫn học sinh ôn tập, củng cố lại hệ thống kiến thức, hướng dẫn các em tự học, tự nghiên cứu để chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi tốt nghiệp sắp tới. 

Tại Trường THPT Phan Đình Phùng, nhà trường yêu cầu tất cả các học sinh thực hiện khai báo y tế điện tử, hằng ngày đo thân nhiệt trước khi đến trường, thực hiện 5K về phòng chống dịch. Các nội dung này được nhà trường thường xuyên nhắc nhở trên các kênh thông tin giữa nhà trường với phụ huynh và học sinh.

Ông Hoàng Hữu Trung, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội (GD-ĐT) cho biết, 100% trường học, bao gồm các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT, cả công lập và ngoài công lập, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên địa bàn thành phố Hà Nội đã thực hiện nghiêm túc và hoàn thành công tác chuẩn bị về an toàn phòng chống dịch trước khi đón học sinh trở lại trường học.

Sở GD-ĐT Hà Nội cũng đã có văn bản hướng dẫn các nhà trường chuẩn bị các điều kiện để bảo đảm an toàn cho học sinh khi trở lại trường học. trong đó có những lưu ý cụ thể ở từng thời điểm như trước khi học sinh đi học, khi học sinh đã trở lại trường học, sau khi học sinh kết thúc buổi học... 

Qua ghi nhận cho thấy, công tác chuẩn bị để đón học sinh quay trở lại trường được các nhà trường trên địa bàn TP Hà Nội thực hiện nghiêm túc, khoa học trên cơ sở tuân thủ các quy định phòng, chống dịch Covid-19 của Chính phủ và của TP.

(nhandan.com.vn)

Tốc độ gia tăng số ca nhiễm và tử vong do COVID-19 tiếp tục giảm

Đến sáng 2/3, thế giới có tổng số 114.986.722 ca nhiễm và 2.549.724 ca tử vong vì dịch COVID-19, sau khi ghi nhận thêm lần lượt 289.964 và 6.602 ca chỉ trong vòng 24 giờ qua. Mỹ vẫn là nước có số ca nhiễm bệnh và tử vong nhiều nhất do đại dịch này.

Số liệu trên trang web thống kê worldometers.info cũng cho thấy tính đến sáng 2/3, đã có 90.695.593 ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu được công bố khỏi bệnh. Trong số 21.741.405 ca bệnh đang điều trị, có 21.651.222 ca ở thể nhẹ (chiếm 99,6%) và 90.183 ca (chiếm 0,4%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng. Dịch bệnh hiện hoành hành tại 221 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Trong 24 giờ qua, với thêm 53.147 ca nhiễm, Mỹ tiếp tục là quốc gia ghi nhận nhiều ca nhiễm COVID-19 mới nhất trên thế giới, tiếp theo sau là Brazil (38.349 ca) và Italy (13.114 ca). Cùng với đó, Mỹ cũng là nước có thêm nhiều ca tử vong nhất trong một ngày qua với 1.439 ca, sau đó là Brazil (818 ca) và Mexico (458 ca).

Số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy châu Âu là khu vực có nhiều ca nhiễm nhất thế giới, hiện ở mức 34.249.213 ca, trong đó có 815.791 ca tử vong và 23.891.114 ca được điều trị khỏi. Trong 24 giờ qua, châu lục này đã ghi nhận thêm 92.274 ca nhiễm và 2.234 ca tử vong mới vì COVID-19. Nga, Anh, Pháp tiếp tục là 3 nước bị tác động nhiều nhất bởi đại dịch này tại châu Âu khi có lần lượt 4.257.650; 4.182.009 và 3.760.671 ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận tới thời điểm hiện tại. Và Anh hiện là nước có số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất khu vực, với tổng số 122.953 ca, sau khi có thêm 104 ca trong 24 giờ qua, tiếp sau đó là Italy (97.945 ca) và Pháp (86.803 ca).

Tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Bắc Mỹ tiếp tục tăng nhanh trong 24 giờ qua, khi có thêm 62.427 ca nhiễm COVID-19 và 1.975 ca tử vong vì dịch bệnh này, nâng các con số thống kê được tại khu vực này tới thời điểm hiện tại lên lần lượt là 33.629.900 và 761.409 ca. Đây là khu vực có số ca nhiễm COVID-19 nhiều thứ hai thế giới. Với 29.314.254 ca nhiễm và 527.226 ca tử vong vì COVID-19, Mỹ vẫn đứng đầu bảng danh sách của khu vực. Tiếp sau là Mexico và Canada với con số thống kê lần lượt là 2.086.938 và 870.033 ca nhiễm, cùng 185.715 và 22.017 ca tử vong vì COVID-19.

Với 25.073.705 ca nhiễm COVID-19 tính đến sáng 2/3, châu Á là khu vực có nhiều ca nhiễm thứ ba thế giới. Trong đó, 399.018 ca đã tử vong do COVID-19 và 23.573.899 ca được điều trị khỏi. 3 quốc gia có số người nhiễm và tử vong do COVID-19 cao nhất tại châu Á là: Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran với lần lượt số trường hợp nhiễm COVID-19 ghi nhận tới thời điểm hiện tại là 11.123.619; 2.711.479 và 1.639.679 ca; và số trường hợp tử vong lần lượt là 157.275; 28.638 và 60.181 ca.

Trong khi đó, Nam Mỹ ghi nhận thêm 56.543 ca nhiễm và 1.378 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại khu vực này lên 16.324.992 ca và 468.217 ca tử vong. Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê của khu vực, Brazil tiếp tục là nước bị tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh trong khu vực khi có thêm 38.349 ca nhiễm mới, nâng tổng số trường hợp bị nhiễm COVID-19 lên con số 10.589.608 vào thời điểm hiện tại, và 818 ca tử vong mới do dịch bệnh này, khiến tổng số ca tử vong đã ở mức 255.836 ca.

Tính đến sáng 2/3, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi là 3.934.130 ca, trong đó có 104.184 ca tử vong và 3.934.130 ca bình phục. Nam Phi tiếp tục là nước chịu tác động nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19 trong khu vực, với 1.513.959 ca nhiễm và 50.077 ca tử vong sau khi ghi nhận thêm 566 ca nhiễm và 84 ca tử vong mới trong vòng 24 giờ qua. Tiếp theo đó là Morocco và Tunisia, với tổng số lần lượt 483.766 và 233.669 ca nhiễm bệnh cùng 8.637 và 8.022 ca tử vong.

Tại châu Đại Dương, con số thống kê được ghi nhận là 51.285 ca nhiễm (tăng 124 ca) và 1.090 ca tử vong do dịch bệnh COVID-19. Đứng đầu danh sách thống kê trên trang worldometers.info vẫn là Australia với 5 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm lên 28.975 ca, trong đó 909 ca tử vong.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp ảnh hưởng nặng nề tới đời sống kinh tế - xã hội toàn cầu, tiến trình thử nghiệm, phát triển và tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19 tiếp tục được tăng cường tại nhiều quốc gia trên thế giới. Ngày 1/3, Bộ Y tế Venezuela đã ra thông báo về việc cấp phép sử dụng vaccine Sinopharm ngừa COVID-19 của Trung Quốc để đưa vào chương trình tiêm chủng cho toàn dân và đây là loại vaccine thứ hai được phê duyệt tại quốc gia Nam Mỹ này, sau vaccine Sputnik V của Nga.

Cùng ngày 1/3, Colombia cũng trở thành quốc gia đầu tiên tại châu Mỹ được tiếp nhận vaccine trong khuôn khổ COVAX. Theo Tổ chức y tế liên Mỹ (PAHO), Colombia đã tiếp nhận 117.000 liều vaccine Pfizer-BioNTech trong chương trình này.

(dangcongsan.vn)