Bộ máy tổ chức Bộ máy tổ chức

Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp
Ngày đăng 19/08/2022 | 10:20  | Lượt xem: 362

HNP - Sáng 18/8, UBND Thành phố tổ chức hội nghị Nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính. Dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa, Phó Trưởng Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ. Đồng chí Trần Sỹ Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố chủ trì hội nghị.

Toàn cảnh hội nghị

 

Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà; Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn. Hội nghị được kết nối trực tuyến tới 633 điểm cầu sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn, với sự tham dự của 5.400 đại biểu.

Nhiều chuyển biến tích cực trong công tác CCHC

 

Báo cáo kết quả công tác cải cách hành chính (CCHC) 7 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm 5 tháng cuối năm 2022, Giám đốc Sở Nội vụ Vũ Thu Hà cho biết, trong công tác chỉ đạo, điều hành, Thành phố đã cụ thể hóa các nội dung tại Nghị quyết 76/NQ-CP của Chính phủ và Chương trình số 01-CTr/TU của Thành ủy bằng việc ban hành kế hoạch triển khai công tác CCHC, giai đoạn 2021-2025, trọng tâm là CCHC “Tiếp tục cải cách TTHC, nâng cao mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với phục vụ của chính quyền và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số”. UBND TP đã thành lập Tổ Công tác cải thiện, nâng cao Chỉ số CCHC (PAR INDEX) và Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) của Thành phố, do đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố làm Tổ trưởng. 

 

Sau khi rà soát, Thành phố đã đơn giản hóa 26 TTHC, công bố công khai 3 TTHC, danh mục 500 TTHC, thay thế 33 TTHC, bãi bỏ 476 TTHC, ban hành 10 quyết định phê duyệt quy trình nội bộ trong giải quyết TTHC. Đến nay, 100% TTHC được tiếp nhận, giải quyết theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Hệ thống thông tin một cửa điện tử, Cổng dịch vụ công trực tuyến của thành phố đã thực hiện đồng bộ với Cổng dịch vụ công quốc gia. Việc tiếp nhận, giải quyết TTHC được giám sát, kiểm soát chặt chẽ nên đã hạn chế tối đa việc nhũng nhiễu, chậm trễ trong việc giải quyết TTHC. Kết quả giải quyết hồ sơ giải quyết đúng hạn, trước hạn trên toàn thành phố là 1.030.963 hồ sơ, đạt tỷ lệ 99,78%.

 

Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ, Vụ trưởng Vụ CCHC (Bộ Nội vụ) Phạm Minh Hùng phát biểu tại Hội nghị

 

Bên cạnh đó, Thành phố đã sắp xếp giảm 280 đơn vị sự nghiệp so với năm 2015, giảm 10,1%; hoàn thành các chỉ tiêu tinh giản 10% biên chế công chức, viên chức so với 2015 (giảm 1.473 biên chế công chức, 15.204 biên chế viên chức hưởng lương ngân sách nhà nước). Đặc biệt, để đổi mới hình thức tuyển chọn lãnh đạo, quản lý, Thành phố đã phê duyệt Đề án thi tuyển đối với 86 chức danh lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương tại 49 cơ quan, đơn vị. Đến nay, đã hoàn thành 38/86 chức danh, các chức danh còn lại đang thực hiện, bảo đảm xong trong năm 2022. Thành phố cũng đã chỉ đạo triển khai các nền tảng cho phát triển Chính quyền số: Nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu (LGSP) kết nối liên thông qua nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu (NDXP) theo quy định (dự kiến hoàn thành trong quý IV-2022).

 

Theo Giám đốc Sở Nội vụ, kết quả 7 tháng đầu năm đạt được nhiều kết quả tích cực, chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động của chính quyền thành phố năm 2021 được duy trì và có sự chuyển biến: Chỉ số PARINDEX nằm trong 10 địa phương dẫn đầu cả nước (xếp thứ 10/63); Chỉ số SIPAS tăng 3 bậc so với năm 2020, vượt chỉ tiêu đề ra (chỉ tiêu đề ra năm 2021 là 86%); chỉ số PAPI tăng 39 bậc so với năm 2020, xếp thứ 9/63 tỉnh, thành phố.

 

Tập trung 17 nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác CCHC

 

Tại hội nghị, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ, Vụ trưởng Vụ CCHC (Bộ Nội vụ) Phạm Minh Hùng đã giới thiệu về Bộ Chỉ số PAR INDEX, phân tích Chỉ số PAR INDEX của thành phố Hà Nội, đồng thời, khuyến nghị một số giải pháp nâng cao Chỉ số PAR INDEX và Chỉ số SIPAS năm 2022 của thành phố Hà Nội. Trong đó, đồng chí lưu ý chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ công chức tại bộ phận “một cửa” cấp xã, phường; chú trọng công tác giáo dục, tuyên truyền để nâng cao sự đồng thuận trong hệ thống hành chính. Cùng với đó, phải không ngừng giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm với các địa phương để lan tỏa các thực tiễn tốt về CCHC. Đặc biệt, thực hiện các nhiệm vụ CCHC phải gắn kết chặt chẽ với ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử và thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn…

 

Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Lê Hồng Sơn phát biểu tại hội nghị

 

Thông tin về giải pháp nâng cao chất lượng công tác CCHC của thành phố Hà Nội, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn nêu 17 nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, nhấn mạnh giải pháp phát huy hiệu quả hoạt động Tổ Công tác cải thiện, nâng cao Chỉ số PARINDEX, SIPAS giai đoạn 2021-2025 của thành phố. Cùng với đó, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công vụ, xử lý nghiêm những trường hợp tiêu cực, nhũng nhiễu, vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn hóa ứng xử. 

 

Về một số giải pháp cụ thể, Thành phố sẽ ban hành Đề án “Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả TTHC hiện đại các cấp của thành phố Hà Nội” trên cơ sở tích hợp một số nội dung của Đề án 06; ban hành Quy chế về việc tiếp nhận, xử lý các góp ý, phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính, hành vi hành chính tại các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của thành phố; chủ động triển khai thí điểm và nhân rộng các mô hình, cách làm hay trong giải quyết TTHC để cải thiện, nâng cao chỉ số hài lòng của người dân, doanh nghiệp. Đặc biệt, Thành phố tiếp tục rà soát, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy (cơ quan chủ trì là Sở Nội vụ)… 

 

Bản chất cải cách hành chính là thái độ của chính quyền với người dân và doanh nghiệp

 

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa đánh giá cao việc UBND Thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị quy mô lớn về công tác CCHC. Ghi nhận thành phố Hà Nội đã có nhiều chuyển biến tích cực trong 7 tháng đầu năm, tuy nhiên, đồng chí đề nghị thành phố Hà Nội thẳng thắn nhìn nhận những mặt còn hạn chế, đồng thời, thực hiện 17 giải pháp mà Phó Chủ tịch UBND Thành phố Lê Hồng Sơn đã nêu ra. 

 

Đánh giá cao việc thành phố Hà Nội đã thành lập Ban Chỉ đạo triển khai xây dựng Đề án đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước, ủy quyền trên địa bàn thành phố Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa đề nghị, thời gian tới, Thành phố cần rà soát lại những vấn đề bất cập, tránh chồng chéo trong việc quản lý. Đồng chí lưu ý trong vấn đề công vụ phải gắn với xây dựng Thủ đô văn minh, văn hiến, cố gắng tạo sự khác biệt ấn tượng trong công tác tiếp dân. Đặc biệt, thành phố Hà Nội phải là thành phố thông minh, đi đầu trong chuyển đổi số, bởi có điều kiện về cơ sở, về đầu tư vốn và có tư duy mạnh mẽ…

 

Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh phát biểu kết luận hội nghị

 

Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, bản chất cải cách hành chính là thái độ của chính quyền với người dân và doanh nghiệp. Dù có thiết kế bộ máy thế nào thì quan trọng là người ngồi vận hành bộ máy đó. Cùng với đó là mối quan hệ trong hệ thống. Đồng chí đề nghị, sau hội nghị này, lãnh đạo các đơn vị chuyển tải thông điệp tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động để tạo nên sự khác biệt tốt về thái độ đối với người dân và doanh nghiệp trên tinh thần tôn trọng họ. 

 

Chia sẻ thông tin về việc Thành phố đã và đang thành lập các ban chỉ đạo những đề án rất thiết thực (triển khai xây dựng Đề án đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước, ủy quyền; triển khai thực hiện chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thành phố Hà Nội sang tự chủ tài chính…), Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh khẳng định, Thành ủy đã chỉ đạo rất đồng bộ, bài bản. Ban cán sự UBND Thành phố cùng với các Ban Đảng, các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã làm tốt các đề án mang tính then chốt trên thì sẽ giải phóng được nguồn lực và tạo đà phát triển. 

theo https://hanoi.gov.vn