QUỐC PHÒNG - AN NINH
Thời gian qua, căn cước công dân gắn chíp là vấn đề được rất nhiều người dân quan tâm. Tại Hà Nội, cán bộ của Đội Cảnh sát quản lí hành chính và trật tự xã hội - Công an các quận, huyện trên địa bàn Thành phố đang rất nỗ lực triển khai công tác làm thẻ căn cước gắn chíp phục vụ nhân dân.
Tích cực triển khai cấp thẻ căn cước công dân gắn chíp
7h30 ngày 6/3, ông Nguyễn Văn Thọ (phường Ngã Tư Sở, quận Đống Đa) cùng khoảng 15 người nữa đã có mặt tại trụ sở của Đội Cảnh sát quản lý hành chính và trật tự xã hội, Công an quận Đống Đa (số 119B Thái Hà) để làm các thủ tục cấp thẻ căn cước công dân gắn chíp.
Sáng nay, ông Thọ mang hồ sơ đến để làm thủ tục cấp đổi từ giấy chứng minh nhân dân 9 số sang thẻ căn cước công dân gắn chíp. "Do chứng minh nhân dân của tôi đã quá cũ, được đồng chí công an khu vực của phường thông báo quận sẽ cấp đổi sang loại thẻ căn cước công dân gắn chíp với rất nhiều ưu điểm như không cần phải mang theo nhiều loại giấy tờ khác khi làm các thủ tục hành chính như trước đây, nên tôi đã khẩn trương đi làm ngay", ông Thọ chia sẻ.
Cổng trụ sở đã mở, các cán bộ tại đây hướng dẫn người dân thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 như đeo khẩu trang, sát khuẩn tay trước khi vào làm thủ tục. Tấm biển trong sân ghi rõ khung giờ làm việc từ 7h30 - 12h30; chiều từ 12h30 - 18h30; tối từ 18h30- 23h30.
Công an Hà Nội tích cực làm thẻ căn cước gắn chíp cho người dân
Theo ghi nhận, càng về trưa, số lượng người đến làm thủ tục càng đông. Đa số người đến làm thủ tục cấp thẻ căn cước công dân gắn chíp trong buổi sáng hôm nay là người cao tuổi, sức khỏe yếu, đặc biệt là các em học sinh, sinh viên, cán bộ công chức... những người mà ngày thường có ít thời gian để đến trụ sở Công an làm các thủ tục hành chính cần thiết.
Trung tá Hoàng Phú Dũng, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát quản lý hành chính và trật tự xã hội, Công an quận Đống Đa đang tất bật cùng đồng đội làm thủ tục cho công dân, lúc thì anh trực tiếp gọi loa thông báo, lúc lại hỗ trợ việc nhập dữ liệu người đến làm.
Trung tá Hoàng Phú Dũng cho biết: "Mặc dù đã chia 2 ca hành chính theo các khung giờ, nhưng để phục vụ số lượng công dân 21 phường trên địa bàn quận được tốt nhất, cán bộ chiến sĩ của đơn vị đã phải bố trí thêm 1 ca tối từ 18h30-23h30 tất cả các ngày trong tuần và không nghỉ thứ 7, Chủ nhật. Trung bình mỗi ngày, Đội Cảnh sát quản lý hành chính và trật tự xã hội, Công an quận Đống Đa tiếp nhận và xử lí khoảng hơn 350 bộ hồ sơ các loại, trong đó, chủ yếu là hồ sơ thủ tục cấp thẻ căn cước công dân gắn chíp".
Gặp lại ông Nguyễn Văn Thọ, gương mặt phấn khởi sau khi đã hoàn thành các bước cấp đổi thẻ căn cước, ông Thọ bày tỏ: "Rất nhanh và chuyên nghiệp! Được các chiến sĩ công an hướng dẫn tận tình, chu đáo nên hồ sơ của tôi và mấy người đi cùng được giải quyết nhanh chóng, không phải mất nhiều thời gian. Rất cảm ơn cán bộ, chiến sĩ Công an quận Đống Đa tận tụy, hết mình".
Cán bộ chiến sĩ Đội Cảnh sát quản lý hành chính và trật tự xã hội, Công an quận Đống Đa làm việc rất khẩn trương, nghiêm túc
14h ngày 6/3, tại nhà văn hóa tổ dân phố số 1, điểm cấp lưu động căn cước công dân phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, dù thời tiết khá oi bức, nhưng số lượng người đến làm Căn cước mỗi lúc càng nhiều, khiến cho khu vực tiếp nhận hồ sơ cũng trở nên nóng hơn bao giờ hết. Không khí làm việc của các cán bộ chiến sĩ cũng rất khẩn trương, trách nhiệm.
Theo đại diện Đội Cảnh sát quản lý hành chính và trật tự xã hội, Công an quận Nam Từ Liêm, những ngày này, đơn vị làm việc 3 ca liên tục, cán bộ chiến sĩ phải thay phiên nhau xử lý hàng trăm bộ hồ sơ của công dân. Suốt từ 7h30 đến 23h30 hàng ngày, máy móc thiết bị gần như không nghỉ. Đối tượng được ưu tiên giải quyết cấp thẻ căn cước công dân buổi tối là các cháu học sinh, đủ 14 tuổi, chuẩn bị thi hết cấp. Người cao tuổi, sức khỏe yếu, khi đến sẽ được ưu tiên làm trước.
Đội Cảnh sát quản lý hành chính và trật tự xã hội, Công an quận Nam Từ Liêm, tiếp nhận và xử lý hàng trăm bộ hồ sơ cấp căn cước công dân mỗi ngày
Trường hợp công dân đăng ký trả thẻ căn cước công dân đến địa chỉ theo yêu cầu, cơ quan công an sẽ lập danh sách, phối hợp với bưu điện để thực hiện và công dân phải trả phí chuyển phát theo quy định
Em Nguyễn Thị Mai, 15 tuổi (phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm) chia sẻ: "Lần đầu em đi làm thẻ căn cước công dân nên khá run, tuy nhiên các cán bộ ở đây đã hướng dẫn rất tận tâm, chu đáo, nên rất nhanh chóng em đã làm xong thủ tục. Rất cảm ơn các chiễn sĩ Công an quận Nam Từ Liêm".
Trao đổi với phóng viên, Thượng úy Nguyễn Đỗ Hà Linh, Công an phường Mễ Trì cho biết: "Thực hiện kế hoạch của Công an Thành phố về việc cấp căn cước công dân gắn chíp cho cư dân khu vực Hà Nội nói chung và trên địa bàn phường Mễ Trì nói riêng, tính từ 1/3 đến nay, mỗi ngày tại điểm cấp căn cước lưu động (Tổ dân phố số 1) phường Mễ Trì đã có rất đông người đến làm thủ tục. Trung bình, mỗi ngày cán bộ chiến sĩ tại đây làm 3 ca tiếp nhận và xử lí trên 300 trường hợp, thời gian làm việc từ 7h30 đến 23h30, thậm chí có ngày đến 2h sáng hôm sau mới chốt xong số liệu".
Xuyên đêm làm căn cước công dân
19h ngày 6/3, sau khi đã chuẩn bị xong hết các công việc ở gia đình, chị Nguyễn Thị Thanh (phường Phố Huế, quận Hai Bà Trưng) đến điểm làm Căn cước công dân, số 96 Tô Hiến Thành, phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng để làm thủ tục cấp thẻ căn cước. Chị Thanh chia sẻ: "Buổi tối đi làm căn cước đối với tôi có lẽ tiện hơn, bởi cả ngày đi làm ở quan rất bận. Thủ tục cũng nhanh chóng, chỉ 5 - 10 phút là xong. Cảm ơn các đồng chí Công an đã triển khai việc nhận hồ sơ vào buổi tối, để công dân mọi ngành nghề, lứa tuổi chủ động hơn trong quá trình làm thủ tục cấp thẻ căn cước".
Trung tá Hà Thị Hương Thơm, Đội phó Đội Cảnh sát quản lý hành chính và trật tự xã hội, Công an quận Hai Bà Trưng cho biết: "Quy trình công dân làm thẻ chỉ mất 5 phút/bộ hồ sơ, gồm: Tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra thông tin, nhận dạng, lăn tay, chụp ảnh. So với trước đây, thủ tục đã được rút ngắn rất nhiều. Thời gian này, trung bình mỗi ngày điểm cấp căn cước công dân lưu động tại trụ sở Công an quận tiếp nhận và xử lý hơn 450 trường hợp, 3 máy quét vân tay chạy hết công suất, để đáp ứng nhu cầu của công dân trên địa bàn quận. Cán bộ, chiến sĩ của đơn vị thường xuyên tăng ca đến nửa đêm".
Theo cơ quan Công an quận Hai Bà Trưng, quá trình rà soát, thu thập dữ liệu, hiện trên địa bàn quận Hai Bà Trưng có khoảng 200.000 công dân từ đủ 14 tuổi trở lên chưa có mã định danh cá nhân. Vì vậy, Công an quận sẽ tổ chức cấp căn cước công dân lưu động tại các phường trên địa bàn. Trong đợt cao điểm, các đơn vị sẽ bố trí các tổ cấp căn cước lưu động tất cả các ngày trong tuần, đảm bảo phù hợp với từng địa bàn dân cư. Cán bộ chiến sĩ Công an quận Hai Bà Trưng nỗ lực tập trung mọi nguồn lực cấp tối thiểu 245.000 căn cước công dân cho người dân đến ngày 30/5/2021.
Trung tá Hoàng Phú Dũng, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát quản lý hành chính và trật tự xã hội, Công an quận Đống Đa thông tin, dù thông báo giờ làm việc tại khu vực cổng của đơn vị là từ thứ 2 đến chủ nhật, tối từ 18h30 đến 23h30, nhưng do nhu cầu của người dân, đặc biệt là các công dân đủ 14 tuổi cần làm căn cước với số lượng lớn, nên chỉ huy Công an quận Đống Đa đã chỉ đạo các đơn vị “làm hết việc, không làm hết giờ, phục vụ đến người dân cuối cùng mới nghỉ".
Để tạo điều kiện thuận lợi cho công dân trong thực hiện các giao dịch, cải cách hành chính hướng tới thực hiện Chính phủ điện tử, Chính phủ số, Bộ Công an khuyến khích công dân thực hiện đổi sang sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử. Bộ Công an sẽ cấp thẻ căn cước công dân gắn chíp cho khoảng 50 triệu công dân từ đủ 14 tuổi trở lên. Trong đó, sẽ cấp cho khoảng 2,5 triệu người ở thành phố Hà Nội… |
(Theo https://laodongthudo.vn/)