LỊCH SỬ - VĂN HÓA LỊCH SỬ - VĂN HÓA

Cây Thị cổ thụ Đình Trung Tự được công nhận Cây Di sản Việt Nam
Publish date 15/04/2022 | 09:15  | View Count: 328

Nhằm bảo tồn, quảng bá, phát huy giá trị của di tích lịch sử văn hóa và cách mạng kháng chiến Đình Trung Tự, cũng như tưởng nhớ và thể hiện lòng biết ơn tới vị thần có công với đất nước, cán bộ và nhân dân phường Phương Liên (quận Đống Đa, Hà Nội) long trọng tổ chức Lễ dâng hương truyền thống và đón Bằng công nhận cây di sản Việt Nam - Cây thị vào sáng nay (15/4) tại Đình Trung Tự.

Cây thị cổ hơn 300 năm tuổi

Đình Trung Tự được xây khoảng cuối thế kỷ 17 địa chỉ ở ngõ 198 Xã Đàn, phường Phương Liên, quận Đống Đa, Hà Nội. Trải qua bao sự thay đổi của thời gian, đình Trung Tự vẫn giữ được nhiều kỷ vật. Ngay lối vào đình có cây thị cổ hàng trăm năm, cành lá xum xuê, sừng sững đứng nghiêm trang cạnh cổng đình đã chứng kiến biết bao biến động của lịch sử.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Phương Liên Trần Vũ Đại, cây thị tại Đình Trung Tự đã có từ nhiều đời nay, người dân làng Trung Tự từ già đến trẻ đều gọi tên chung là cây Thị cổ. Tuổi đời của cây đã trên 300 năm, cây dáng đứng thẳng, thân tán rộng đường kính 18m cao khoảng 30m. Chu vi gốc cây tại mặt đất khoảng trên 5m. Tán cây tỏa mát một phần mái Đình và sân Đình.

"Hiện trạng cây xanh tốt hàng năm cây ra hoa kết trái đều đặn, quả thị rụng vàng kín cả sân Đình. Cũng tại nơi đây dưới gốc cây thị cổ trong thời kháng chiến chống thực dân Pháp, đã từng là nơi tụ họp của du kích làng Trung Tự chống quân Pháp xâm lược. Ngày nay mái Đình làng, cây Thị cổ là niềm tự hào, là dấu ấn, những kỉ niệm không thể phai mờ của những người dân phường Phương Liên", ông Đại cho hay.

Đã vừa tròn 30 năm kể từ ngày Đình Trung Tự được công nhận là di tích lịch sử văn hoá quốc gia; trong Lễ dâng hương truyền thống năm nay, một điều đặc biệt hơn, cây thị cổ thụ vừa được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam quyết định công nhận là cây Di sản Việt Nam.

Thường niên, vào ngày 20 tháng 8 Âm lịch, dân hiếu học trong làng làm lễ tế các bậc tiên hiền dưới bóng cổ thụ này. Theo các vị cao niên trong làng, cây thị này thuộc loại “thất tuyệt”, tức có 7 điều quý: cây thọ, tán rộng, chịu hạn, không có tổ chim, gỗ làm ván in, quả thơm để cúng, vỏ làm thuốc chữa bệnh.

Ngôi đình của lịch sử dân tộc

Cách đây hơn 500 năm, vùng đất xưa có tên gọi Trung Tự thuộc phường Đông Tác, huyện Vĩnh Xương - phủ Phụng Thiên (theo bản đồ 1490) Đời vua Lê Thánh Tông đã dựng ngôi đình Trung Tự.

Trải qua nhiều thời đại lịch sử, Đình Trung Tự là nơi lưu giữ lịch sử văn hóa, một di tích vọng thờ Thần Cao Sơn, phối thờ công chúa Huệ Minh nằm trong cụm di tích đình - chùa ở phía nam kinh thành Thăng Long. Và nó cũng nằm trong một khu vực nhiều di tích cổ quan trọng trong sinh hoạt văn hóa, khoa học của kinh đô dưới các thời quân chủ phong kiến.

Đình Trung Tự được ra đời từ rất sớm, các tư liệu, thư tịch, văn bia, câu đối, sắc phong có trong di tích và liên quan tới di tích đều khẳng định như vậy. Tài liệu sớm nhất là tấm bia đá bốn mặt ở Đình có ghi rõ được khắc vào năm Tân Dậu - niên đại Cảnh Hưng năm thứ hai 1741. Như vậy có thể khẳng định rằng Đình Trung Tự được xây dựng từ trước năm 1741 (tức là khoảng cuối thế kỷ 17 đầu thế kỷ 18).

Hằng năm, cứ vào ngày rằm tháng 3 âm lịch, là dịp để nhân dân và quý khách thập phương xa gần về với di tích Đình Trung Tự cùng tỏ lòng thành kính Dâng hương Thượng Đẳng Tối Linh Thần “Cao Sơn Đại Vương” - vị Thần linh thiêng đã phù trợ giúp giữ yên nhà nước Văn lang cổ đại, bảo vệ ngôi báu Vua Hùng và ngầm giúp Vua Lê Tương Dực dành lại ngai vàng.

Lễ dâng hương truyền thống là dịp để tưởng nhớ vị Thần Hoàng “Cao Sơn Đại Vương”. Đây cũng là dịp để mọi người dân thập phương xa gần từ muôn nơi hộ tụ về sân đình, trong không gian ngày “Hóa Thượng Đẳng Thần”, dâng nén hương thơm ngát tỏ lòng thành kính, tri ân, biết ơn vị thần linh thiêng đã luôn che chở, mang lại cuộc sống bình yên, mùa màng bội thu, vạn vật sinh sôi nảy nở.

Và đây cũng là dịp để cán bộ, nhân dân phường Phương Liên, các cấp, các ngành bày tỏ niềm tri ân nhớ đến công lao của các đồng chí cán bộ tham gia hoạt động kháng chiến tại khu di tích Đình Trung Tự, đã anh dũng hy sinh ở giai đoạn từ năm 1920 đến tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8/1945.

Cho đến thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Đình Trung Tự là nơi cất giấu truyền đơn, tập kết, nuôi giấu cán bộ hoạt động trong vùng nội thành Hà Nội. Cuối tháng 8/1945, Đình là địa điểm thành lập trung đội tự vệ chiến đấu, và ra đời ủy ban cách mạng lâm thời của làng Trung Tự, chính nơi đây từ những năm 1932 đã thành lập một chi bộ Đảng dự bị của tổ chức Đảng Cộng Sản Đông Dương.

Như vậy, phường Phương Liên nay có 2 di tích tôn giáo, tín ngưỡng trong đó Đình Trung Tự là một trong những báu vật, là di sản văn hóa Quốc gia cần phải giữ gìn, bảo tồn và phát huy những giá trị cả về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật cả về lịch sử cách mạng.

Qua đó giáo dục tình yêu quê hương, giáo dục truyền thống cách mạng, giữ gìn thuần phong, mỹ tục, nét đẹp văn hóa địa phương. Đình là không gian văn hóa, là cầu nối giữa quá khứ với hiện tại và tương lai do thời gian và sự thăng trầm của lịch sử, đến nay ngôi đình đã được nhà nước quan tâm đầu tư, tu bổ, tôn tạo tổng thể khang trang, tôn nghiêm như ngày hôm nay.

(Theo https://laodong.vn/)